Hành trình khám phá cung đường Hà Giang Loop (vòng lặp Hà Giang) bắt đầu từ cột mốc Km0 đi Quản Bạ,ệmvivucungđèoHàGiangtừcô gái hot nhất hôm nay Đồng Văn, Mèo Vạc và ngược lại. Kể từ Km0, du khách sẽ vượt qua một trong những cung đường đèo ngoạn mục, hùng vĩ nhất Việt Nam.
Di chuyển
Có nhiều chọn lựa để đến Hà Giang. Nếu đến từ các tỉnh miền Nam, bạn có thể thuê xe trước ở Hà Nội, đón từ sân bay Nội Bài và lên thẳng Hà Giang (áp dụng cho các chuyến bay sớm). Từ Nội Bài đi Hà Giang mất khoảng 6 tiếng, nếu dừng lại nghỉ ngơi, ăn trưa có thể mất 8 tiếng. Trong trường hợp xuất phát từ trung tâm Hà Nội lúc 7 giờ sáng, theo quốc lộ 2C qua Tuyên Quang, du khách có thể kịp ăn trưa ở TP.Hà Giang.
Thuê xe ở Hà Nội, nếu đi nhóm nhỏ 4 - 5 người, bạn có thể chọn những chiếc 7 chỗ có tài xế đưa đón, kinh nghiệm chạy tuyến Hà Giang. Còn nếu di chuyển bằng xe khách, có thể xuất phát từ các bến xe Mỹ Đình, Lương Yên, Yên Nghĩa, Gia Lâm với các loại xe khách chất lượng cao, giá vé từ 200.000 - 300.000 đồng/người/lượt. Đến Hà Giang, bạn có thể thuê xe máy (từ 150.000 đồng/ngày) hoặc thuê người chở suốt hành trình. Đây là phương án nhiều du khách phương Tây lựa chọn.
Hà Giang đang vào mùa đẹp, khi hoa tam giác mạch đua nở, trời mát dịu, không mưa và cũng là mùa thu hút nhiều khách phượt
Cung đường Hà Giang qua nhiều con đèo và trong suốt hành trình kéo dài hơn 300 km (đi và về) có nhiều đoạn đang được thi công. Vì thế, bạn phải đảm bảo đến nơi trước khi trời tối do đơn vị thi công có thể chặn lại để phá núi, di chuyển đất đá, xe phải chờ đợi rất lâu, ảnh hưởng đến hành trình.
Du lịch Hà Giang mùa nào đẹp nhất?
Xin thưa là cả 4 mùa, xuân hạ thu đông đều phù hợp để vi vu Hà Giang. Mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng. Mùa xuân hoa mơ, hoa mận nở cùng những lễ hội nô nức, sắc màu. Cuối hạ là mùa nước đổ trên những thửa ruộng bậc thang để chuẩn bị cho mùa cấy. Sang thu là mùa lúa chín vàng, mùa hoa tam giác mạch trải đều trên những khu vườn, chân núi…
Trong đó, mùa hoa tam giác mạch thu hút đông đúc du khách nhất, kéo dài từ tháng 10 - 12. Vào thời điểm này, những ngày cuối tuần, du khách khó đặt được chỗ lưu trú ở những homestay có cảnh quan đẹp. Vì thế, nếu xác định đến Hà Giang vào mùa thu, bạn cần phải đặt phòng sớm.
Hằng năm, vào cuối tháng 10, Hà Giang tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch ở khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn. Tại nơi này, địa phương tổ chức con đường hoa tam giác mạch, du khách tham quan mua sắm ở các gian hàng trưng bày sản phẩm địa phương...
Tam giác mạch lúc mới nở có màu trắng, hồng phớt. Sau đó, hoa sẽ đổi sang tím, hồng đậm. Nếu đứng một mình, có thể sẽ không thu hút người xem, nhưng khi thành một cánh đồng, trong không gian của vách đá thâm nâu, tam giác mạch trở thành điểm nhấn đặc biệt, khiến du khách không thể cưỡng lại.
Ngày trước, tam giác mạch chủ yếu được trồng để lấy hạt, làm thức ăn. Ngày nay, tam giác mạch còn có nhiệm vụ khác là phục vụ du khách. Những cánh đồng hoa bạt ngàn trở thành điểm check-in, hạt tam giác mạch làm bánh nướng bán cho du khách… Tên tam giác mạch đơn giản xuất phát từ hình dáng hạt có hình tam giác. Đây còn là một vị thuốc Đông y, thanh nhiệt giải độc… Hạt tam giác mạch được Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản để chế biến mì soba.
Tam giác mạch có thể được trồng thành vườn, hay cánh đồng nhưng cũng có những cụm mọc hoang bên bờ đá
Ăn uống
Ẩm thực Hà Giang đậm nét vùng cao, đặc trưng của các dân tộc thiểu số, đang trở thành đặc sản mà bất kỳ du khách nào cũng muốn thử như thắng cố, mèn mén, xôi ngũ sắc, thịt treo, lợn cắp nách, cháo ấu tẩu, xôi nếp nương, bánh tam giác mạch, cá suối và rượu ngô.
Trong đó đặc biệt nhất là thắng cố. Đây là món ăn truyền thống của người H'Mông, được nấu từ thịt ngựa với hương vị đặc trưng. Trong những đêm lạnh, quây quần bên chảo thắng cố nghi ngút khói là trải nghiệm khó quên. Thắng cố có thể ăn với mèn mén. Mèn mén là món ăn đặc trưng của người H'Mông được làm từ bột ngô. Hay sau chặng đường dài, ăn bát cháo ấu tẩu trong quán đêm ở TP.Hà Giang được du khách truyền tai nhau là có thể quên mọi mệt nhọc…
Thực đơn điển hình cho một bữa ăn ở Hà Giang sẽ bao gồm: Cải Mèo luộc (là loại cải có vị ngọt, như cải xanh, ngon nhất khi được thưởng thức ở chính Hà Giang), cá suối chiên, thịt vịt làng (loại vịt được nuôi thả ở vùng nhiều nước), canh cá suối, thịt lợn bản... Hay bữa tối là lẩu gà đen - đặc sản trứ danh của người dân vùng cao, thưởng thức cùng các loại rau rừng như ngũ gia bì.
Bánh phở Tráng Kìm mà bất cứ du khách nào đến Hà Giang cũng một lần thử
Món ăn sáng không thể bỏ qua ở Quản Bạ là phở Tráng Kìm, một địa danh nằm ven đường đi từ Quản Bạ qua Yên Minh. Sợi phở Tráng Kìm được làm thủ công, từ xay bột cho đến tráng bánh... Những chiếc bánh phở (như bánh tráng) sau khi được tráng thủ công tại chỗ sẽ phơi rải đều trên những cây nứa ngay cửa quán. Khách vào ăn, chủ quán mới mang xuống, cắt ra từng sợi. Vị phở Tráng Kìm thanh nhẹ, thưởng thức cùng thịt gà ta của vùng cao thơm ngon không chê vào đâu được.
Giá cả ở Hà Giang khá rẻ và không có tình trạng "chặt chém", nói thách...
Lưu trú
Du khách có nhiều chọn lựa nhưng phù hợp nhất là ở homestay. Tại Quản Bạ, bạn có thể ở trong các homestay thôn Nặm Đăm hay Tráng Kìm. Những khu homestay của người H'Mông quy mô, có thể chứa được đoàn hàng chục người. Homestay có tên Toong mà chúng tôi ở Nặm Đăm có những khu nhà theo dạng bungalow tách biệt nhau. Nội thất theo kiểu tối giản, không có vật dụng như tủ lạnh, tivi nhưng khung cảnh xung quanh tuyệt đẹp trong thung lũng. Buổi sáng, du khách thường dậy sớm, đón bình minh dần lộ diện sau những đỉnh núi mờ sương, ngắm những đứa trẻ bắt đầu đến trường…
Tại Đồng Văn, du khách cũng có thể ở những homestay cách xa phố cổ nhưng cũng có thể chọn những khách sạn ở trung tâm. Tuy nhiên, nếu ở gần phố cổ sẽ thuận tiện di chuyển và vào ban đêm đông vui, nhộn nhịp du khách. Nơi này, bạn có thể khám phá nhiều loại ẩm thực Hà Giang hấp dẫn như thắng dền. Đây là một món ngọt tựa như chè trôi nước nhưng viên thắng dền chỉ to tròn bằng ngón tay. Món ăn nóng này phù hợp với những đêm trời se lạnh, ngồi ven đường và thưởng thức ly thắng dền còn phả hơi nóng…
Tại Đồng Văn, chúng tôi qua đêm tại homestay Đồng Văn Eco Stone, chỉ cách phố cổ Đồng Văn vài bước chân. Khu trọ nằm ven đồng lúa này ngoài cung cấp chỗ ngủ còn phục vụ những bữa ăn ngon. Chẳng hạn, món lẩu gà đen hay bữa sáng với món bánh cuốn chan nước lạ miệng. Đây là món bánh cuốn có nhân thịt bằm ăn cùng với phần trứng tráng, chan nước dùng có chả.
Hành trình qua những đỉnh núi
Du lịch vòng cung Hà Giang (Hà Giang Loop) đi qua quãng đường đèo dài thăm thẳm, với một bên là vách núi dựng đứng và bên kia vực sâu hun hút. Hành trình cung đèo Hà Giang có thể 3 ngày 2 đêm nhưng vừa vặn nhất là 4 ngày 3 đêm, có thể chia ra như sau:
Ngày 1: Hà Nội - Hà Giang (270 km) - Quản Bạ (40 km)
Từ Hà Nội đến trung tâm TP.Hà Giang khoảng 270 km, trên đường đi nghỉ chân ở ven quốc lộ 2C đoạn qua Tuyên Quang. Đến TP.Hà Giang đúng giờ ăn trưa, bạn có thể chọn nhà hàng Dân Tộc ven sông Lô để thưởng thức những món đặc sắc của Hà Giang như cá suối, cải Mèo…
Sau đó, hãy đến Km0 ở trung tâm Hà Giang để chụp ảnh kỷ niệm. Cột mốc Km0 là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đặt chân tới Hà Giang. Từ Km0 này, du khách sẽ tỏa đi các hướng khác nhau. Có hai cột mốc Km0, một chỉ dẫn giao thông, một có chức năng đánh dấu lãnh thổ, được đặt phía trong công viên với kích thước lớn hơn, đối diện quảng trường 26.3.
Từ Km0, du khách sẽ bắt đầu hành trình qua những cung đèo đẹp nhất Tây Bắc
NTT
Sau khi check-in cột mốc Km0, bạn có thể chọn cho mình một quán cà phê gần đó để ngắm dòng sông Lô, nghỉ ngơi trước khi lên đường vào Quản Bạ.
Cũng từ đây, du khách bắt đầu chặng hành trình của đèo dốc liên tục. Con đèo đầu tiên trước khi vào Quản Bạ có những đoạn đang sửa chữa, vì thế, có thể bạn sẽ phải dừng lại chờ khá lâu để xe lần lượt vượt qua do chỉ có 1 làn di chuyển.
Trước khi đến Quản Bạ, du khách có thể check-in ở Cổng trời Quản Bạ, từ trên đỉnh đèo ngắm thị trấn nhỏ xinh nằm trong thung lũng, bên cạnh những ngọn núi có hình chóp nón tuyệt đẹp mà tiêu biểu nhất là núi Đôi.
Ngày 2: Quản Bạ - Yên Minh - Lũng Cú (130 km) - Đồng Văn (20 km)
Quãng đường đầy những thú vị, khi đưa du khách từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sau khi rời khỏi homestay, chúng tôi dừng chân ở Tráng Kìm để ăn món phở gà với bánh phở thủ công đặc biệt và điểm ngắm cảnh đầu tiên là ở cây cô đơn.
Cây cô đơn là cây nghiến cao khoảng 40m, có tuổi hơn 250 năm, thân cây rộng tới 5 người ôm, nằm lẻ loi bên quốc lộ 4C, phía dưới là vực sâu nơi có những mái nhà của người dân xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ. Từ gốc cây cô đơn, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm một phần khung cảnh Cao nguyên đá Đồng Văn…
Xe đưa du khách đến Đồng Văn nhưng trước khi thăm thung lũng Sủng Là, dinh thự vua Mèo, bạn phải vượt qua dốc Thẩm Mã. Con dốc (thực tế là đèo) với những khúc cua uốn lượn. Từ trên đỉnh dốc, nơi du khách dừng chân ngắm cảnh, chụp ảnh, có thể nghe những điệu sáo H'Mông nao lòng của những em nhỏ. Nơi này cũng có nhiều trẻ em gùi hoa, ôm những bó hoa sặc sỡ nhất, mặc những bộ áo quần đẹp nhất để chụp ảnh cùng du khách. Ngoài ra, khách cũng có thể mua những trái thơm ngọt lịm, bổ sung dưỡng chất cho hành trình dài tiếp theo.
Thung lũng Sủng Là hiện ra đầy mê hoặc với những ngôi nhà trình tường xưa cũ, trong đó nổi tiếng có nhà của Pao. Tại đây, du khách có thể chụp hình cùng những đứa trẻ người H'Mông, tham quan nhà của Pao, ngắm cánh đồng hoa tam giác mạch đang mùa đẹp nhất và thưởng thức những món bánh vùng cao lạ miệng…
"Bãi đá mặt trăng" Sà Phìn là nơi như đưa du khách vào một thế giới khác, đó là thế giới của đá. Điều kiện khí hậu khô lạnh ở độ cao trên 1.500m với lượng mưa ít, độ bốc hơi lớn; chênh lệch giữa nhiệt độ ngày và đêm rất lớn, nhất là về mùa hè; băng giá, sương muối nhiều vào mùa đông… là những yếu tố đẩy nhanh quá trình phong hóa vật lý (cơ học), khiến đá vôi nhanh chóng bị nứt nẻ, đổ lở tạo thành thung lũng, hoang mạc độc đáo. Hoang mạc đá ở địa hình mặt trăng chỉ có thể tìm thấy ở Cao nguyên đá Đồng văn. Dù vậy, hoang mạc đá vẫn rực rỡ sắc màu của ngô, tam giác mạch do người dân chăm chỉ trồng trọt…
Trên hoang mạc đá Đồng Văn
Điểm đến khác trong hành trình là tham quan dinh thự họ Vương, hay còn gọi là nhà vua Mèo ở xã Sà Phìn, xây dựng hoàn thành vào năm 1903.
Điểm cực Bắc của Việt Nam hiện nay ở xã Lũng Cú, H.Đồng Văn, Hà Giang, với biểu tượng Cột cờ Lũng Cú. Từ dinh thự nhà Vương, du khách phải trải qua chặng đường đèo dốc hơn 30 km để đến nơi và sau đó phải quay ngược trở lại để về Hà Giang. Du khách không chỉ đến thăm Cột cờ Lũng Cú mà có thể đi xe gắn máy đến nơi có cột mốc cực Bắc của Tổ quốc.
Cột cờ Lũng Cú được xây dựng hình bát giác, có chiều cao 33.15m, xung quanh thân cột gắn hình 8 mặt trống đồng Ðông Sơn, dưới chân cột cờ là 8 tấm phù điêu minh họa cho các thời kỳ lịch sử của đất nước
ĐỘC LẬP - QT
Đồng Văn đón du khách bằng vẻ khác lạ. Thị trấn vùng cao này nhộn nhịp như một đô thị nhỏ ở miền xuôi, nơi hàng quán mở nhạc xập xình, dòng người qua lại đông đúc… Ban đêm, tại khu phố cổ, các nhóm thanh niên người bản địa tụ tập nhảy những bản nhạc hiện đại nhất bên bếp lửa cháy đỏ. Buổi sáng, du khách có thể dậy sớm, khám phá cảnh buôn bán ở chợ Đồng Văn...
Ngày 3: Đồng Văn - Mèo Vạc (gần 50 km)
Nằm ở cực Bắc Việt Nam, bao gồm trọn vẹn cả 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc trên diện tích khoảng 2.345km2, Cao nguyên đá Đồng Văn vinh dự được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu đầu tiên của Việt Nam từ năm 2010.
Với trên 60% diện tích là đá vôi ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, Cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng với những hẻm vực sâu, những vách đá dựng đứng, những đỉnh núi nhọn hoắt, những rừng đá - hoang mạc đá lởm chởm, những con đường cheo leo ẩn hiện trong mây… Nổi tiếng là "vùng đất khát" nhưng Cao nguyên đá lại là nơi sinh sống của 17 dân tộc ít người như H'Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, La Chí, Lô Lô, Pu Péo…
Điểm dừng chân trong chặng này là tượng đài Thanh niên xung phong trên đèo Mã Pí Lèng, ngắm sông Nho Quế từ đỉnh đèo và đi thuyền trên sông Nho Quế.
Sau khi ngắm sông Nho Quế, du khách có thể ăn bữa trưa tại một nhà hàng bên bờ sông và bắt đầu chặng đường dài trở về TP.Hà Giang. Bạn có thể chọn một đêm ở lại TP thủ phủ tỉnh Hà Giang, khám phá nơi này vào ban đêm để ngày cuối cùng trở về Hà Nội.
Sản vật Hà Giang
Ngày 4: Hà Giang - Hà Nội (270 km)
Trên hành trình, du khách có thể viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, sau đó ăn trưa ở TP.Tuyên Quang.
Hà Giang có nhiều sản vật du khách có thể mang về làm quà cho người thân như thịt trâu gác bếp, lạp xưởng gác bếp, mật ong bạc hà và nhiều loại nông sản như nếp nương, đậu đen, đậu đỏ, hạt cải…